19h57, tôi vừa bật app google map định chỉ đường về nhà – một thao tác quá đỗi bình thường thì điện thoại lại trở nên bất thường: Nó treo đơ luôn màn hình, không thể ấn reset bằng nút nguồn và volume được chứ đừng nói cảm ứng còn hoạt động. Về đến nhà, tôi cắm thử vào máy tính xem có reset được gián tiếp không. No luck. Điện thoại treo nặng đến mức tôi cảm giác nó như cái đồ chơi hình smartphone của bọn trẻ với màn hình được dán giấy minh hoạ vậy.
Chết thật, hôm sau nhà lại có việc hiếu từ sớm, không thể không có điện thoại.
Từ đỉnh nhịp hồi 1,291 ngày 26/8, VNINDEX giảm tiếp 420 điểm ~ -32.5% liên tục tới ngày 16/11/2022. Trong 52 phiên, 86 ngày đó, index không có lấy một nhịp hồi tử tế. Chỉ số chung rơi 30% tức là cổ phiếu rơi 60-70% là điều phổ biến. Nhiều cổ phiếu VN30 như NVL, PDR sàn chục phiên liên tiếp không có lực đỡ, quốc dân như HPG giảm về tận 13 – gần như phủ định thành quả 2 năm sau covid.
Thị trường này thực sự khốc liệt!
Tôi thấy nhiều trường hợp mất cả đời dành dụm chỉ để “nướng” lên sàn chứng khoán. Thử tưởng tượng không những không có lãi mà mỗi ngày nhìn tiền của mình bốc hơi -7% không thoát được do cổ phiếu không thanh khoản thì sau 5-7 phiên còn bao nhiêu? Mất 1 ngày bằng tiền lãi gửi tiết kiệm 1 năm. Tức là sau mỗi ngày, chi phí cơ hội mất đi là 2 năm gửi tiết kiệm an nhàn.
Vậy trong hoàn cảnh thị trường chung xấu gần nhất 20 năm lịch sử chứng khoán, ta phải làm gì? Đó là việc dễ nhất và cũng khó nhất: Chờ.
Khó, thậm chí rất khó, là việc không biết mình chờ đợi cái gì, khi nào tạo đáy thì tay chân ngứa ngáy vô cùng do tâm lý fomo, lỡ mất đáy. Và cái chết nữa là không chịu cắt lỗ và đánh sai tỷ trọng. Lỗ 5% không bán mà chờ hồi, đến 20% càng không dám và chắc chắn giảm 50% chỉ có tắt app. Tỷ trọng đoạn này nếu có bắt thì tối đa 10-20% nhưng có khi tham, lại mua full hoặc margin, đảo hàng không khéo lại kẹp gấp đôi.
Một khi không bình tĩnh được với quá nhiều biến số, tài khoản giảm mỗi ngày thì đầu óc ta không còn tỉnh táo, tay chân ta tê liệt, càng làm càng sai, càng gỡ càng chết.
Dễ vì ngồi không, quên nó đi thì đâu có khó. Thời gian để làm việc khác có ích hơn.
Tâm thế đứng từ ngoài nhìn thị trường rơi với full tiền sẽ rất khác, thậm chí lạc quan vì mình bảo vệ được tiền, trang bị thêm nguồn lực kiến thức cho các cơ hội sắp tới.
Trong thời gian vừa rồi, tôi tự mày mò backtest lại, học thêm các chiêu mới về ADX, RSI, MACD và ichimoku – toàn những thứ tưởng biết rồi nhưng khi tìm hiểu sâu thì thực ra mình chả biết gì. Khoe thêm một tí là trong thời gian này tôi cũng đạt được một số thành tựu nho nhỏ ở công ty chính.
Như nói cuối tháng 10 trong bài đáy trung hạn ở 900 và thời gian tuần cuối tháng 11, thị trường đúng là đã có những nỗ lực phục hồi đáng kể trong mấy ngày gần đây với ngày 1 tỷ cổ phiếu trao tay.
Không dám nói trước sẽ thành công, nhưng ít nhất tôi có kha khá lợi thế so với những người kẹp hàng, mất vốn đoạn vừa qua. Nhiều khi chỉ cần hơn 1% cũng thay đổi được cục diện rồi.
Cái điện thoại treo, tôi thực sự không biết làm thế nào khi thử hết cách reset không được và chỉ còn một cách: Chờ hết pin. Tôi quên nó đi và chuẩn bị một cục sạc dự phòng. Đến chiều hôm sau, điện thoại tắt ngúm vì cạn pin. Tôi lấy cục sạc cắm vào và sau 2 phút, điện thoại khởi động lên như chưa hề bị làm sao.
Có nhiều việc tưởng chừng không có cách giải quyết tại một thời điểm lại rất dễ dàng ở một thời điểm khác. Cốt lõi ở đây là thời gian và sự chuẩn bị nguồn lực của mình (kiến thức, tiền hay thậm chí là cục sạc dự phòng) để sẵn sàng khi thời cơ đến.