“Dầu tăng giá sau khi Phó thủ tướng Nga Alexander Novak tuyên bố nước này sẽ cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày” là một câu trên tờ VnEconomy sáng nay 11/2/2023. Dù là một câu mô tả đúng về 2 sự việc “Nga giảm sản lượng” và “dầu tăng giá” nhưng tôi thấy nhiều người suy luận theo hướng nguyên nhân – kết quả: Vì Nga giảm lượng dầu nên giá tăng. Nhưng thực tế có đúng như vậy?
Bài nhận định Giá dầu USOIL 2023 của tôi hồi đầu năm đã đề cập xu hướng hồi phục của giá dầu đầu 2023. Như vậy về mặt quy luật thì dù có hay không việc Nga giảm sản lượng, giá dầu vẫn sẽ tăng.
Về quy luật, giá dầu vẫn sẽ tăng
Tôi quan sát đại đa số tiếp nhận tin tức theo kiểu diễn giải nguyên nhân, kết quả: Vì việc A xảy ra nên dẫn tới việc B. Điều này có thể do từ bé ta được dạy như thế, và thực tế có thể đúng trong phạm vi rất nhỏ (một bài toán, một phép tính) với điều kiện tiên quyết rằng mọi dữ kiện phải nằm trong đề bài.
Tuy nhiên cuộc sống không như thế. Nó luôn có quá nhiều ẩn số và nếu dùng cách tư duy “nếu-thì” sẽ luôn bị dắt mũi và đi sau thị trường. Sau đây là một số điều tôi nghĩ số đông đang tiêu thị tin tức và suy luận sai cách:
Nội dung chính
Một là, chúng ta không biết tin đó đúng hay sai
Ở ví dụ dầu Nga, có lẽ đại đa số chúng ta không biết ông Phó Thủ tướng kia là ai, cũng không biết ông ấy thực sự phát ngôn trong hoàn cảnh nào, thậm chí có đúng là ông ấy nói hay không.
Giả sử thông tin trên là thật (dựa vào uy tín của trang báo), chúng ta cũng không thật sự hiểu về nó. Việc “Nga cắt 500k thùng dầu” là nhiều hay ít so với Nga? so với thế giới? Các nước Ả Rập cho thêm 500k thùng/ngày có khó không? Nếu dễ thì sao và nếu khó thì sao?
Chúng ta cũng không nhìn được quá khứ rằng trong tất cả các lần giảm sản lượng dầu thì có ảnh hưởng đến giá dầu toàn cầu hay không. Ví dụ trong 10 lần Nga hoặc ai đó giảm sản lượng, chỉ có duy nhất 1 lần này là giá dầu tăng thì lý luận theo nguyên nhân Nga cắt 500k thùng và giá dầu tăng trở nên lỏng lẻo, yếu thế.
Hai là, tin đó nếu có đúng cũng chỉ là một phần của sự thật
Sự thật “giá dầu tăng” có thể không đến từ duy nhất 1 lý do “Nga giảm sản lượng”. Đồng ý việc này có thể góp phần làm giá dầu tăng, nhưng nếu có 10 lý do mà chỉ lên báo 1 lý do từ Nga liệu có khách quan và phản ánh đúng sự thật? Hay chúng ta đang bị điều khiển bởi truyền thông để lý do trở thành “tại ông Nga” để phục vụ các mục đích chính trị khác?
Có câu “một nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật không phải sự thật”, huống hồ ở đây chúng ta chỉ có 1 phát ngôn và chưa chắc đã là một nửa của sự thật làm giá tăng ấy.
Việc Nga giảm lượng dầu và giá tăng nghe có vẻ hợp lý, cung giảm thì giá phải tăng. Nhưng mấy thế kỷ nay số lượng cướp biển thì giảm, trái đất lại nóng lên thì có kết luận được “cướp biển ảnh hưởng đến nhiệt độ trái đất” hay đây chỉ là 2 sự kiện đồng thời cùng xảy ra và người ta gán cho nó cái nguyên nhân – kết quả?
Ba là, thật ra chúng ta không cần hiểu lý do, mà cần hành động
Trong một thế giới có quá nhiều biến số, quá nhiều mối bận tâm và sự xao nhãng, chúng ta thực sự rất khó đến đánh giá khách quan một vấn đề. Mà cái gì khó quá thường…bỏ qua và chấp nhận diễn dịch Nếu-Thì đơn giản. Nếu tư duy như vậy chúng ta đã thua ngay từ khi chưa bắt đầu. Đơn giản vì luôn đi sau người giật dây một bước.
Chúng ta đọc và giải thích ngược lại, chứ không “dự đoán” và lên kịch bản cho tương lai. Tại thị trường tài chính là Zero-sum game, việc đi sau là thất sách. Nói nôm na còn gọi là đi “đổ bô” cho tay to, cá mập.
Với trường hợp giá dầu, tôi không biết Nga sẽ làm gì, Trung Quốc sẽ ra sao. Và thực tế tôi…không cần biết. Vì biết khi mọi chuyện đã rồi không để làm gì cả.
Thứ duy nhất tôi cần biết là quy luật để dự đoán tương lai, kết quả như bài viết hồi đầu năm nhận định giá dầu. Từ đó suy ra các tình hình lạm phát, ảnh hưởng đến các loại tài sản và thị trường để ra quyết định đầu tư.
Thứ duy nhất tôi cần biết là quy luật để dự đoán tương lai
Tôi thấy nhiều “nhà đầu tư” dành quá nhiều thời gian cho tin tức, thông tin mà không thật sự hiểu cái cốt lõi về quy luật, cách tay to đang điều tiết thị trường và các chu kỳ kinh tế, chu kỳ lãi suất.
Với tôi, trừ một số rất ít vàng, kim cương thì bơi giữa tin tức là bơi trong bể rác. Và nếu không có khả năng phân loại, tốt nhất đọc ít thôi và chú tâm tìm quy luật để tránh bị dắt mũi bởi truyền thông.
Tay to lái thị trường luôn cần một cái cớ “hợp lý” để diễn giải cho hành động của mình. Nếu chúng ta cũng đồng tình với sự “hợp lý” được tô vẽ ra ấy, chúng ta đã bị lừa và thua ngay từ khi gật đầu.