Con người mình rất lạ.
Chúng ta thường dễ dàng biết những thứ “của mình”: cơ thể, vợ con, điện thoại, xe cộ, nhà cửa, v.v. nhưng đồng thời cũng rất hay tiếc những thứ không phải của mình, ví dụ một cơ hội đầu tư khi giá đã tăng.
(Thật ra, nếu suy nghĩ sâu hơn thì không có thứ gì thực sự là “của mình” cả, tất cả chỉ là tập hợp của những nhân duyên. Tuy nhiên để đơn giản, chúng ta tạm phân biệt thứ “của mình” – là thứ mình sở hữu hoặc có tương tác trong phạm vi nhất định, và những thứ còn lại không phải của mình.)
“Biết thế mua vàng” là câu tôi thấy nhiều người hay nói thời điểm này, khi giá đã tăng và tạo đỉnh. Với tôi, câu này cùng những câu như “Biết thế đã giàu”, “Ai mà biết..” là những câu vô nghĩa và thể hiện sự tiếc nuối giả tạo bởi 2 lý do:
- Nếu anh không nhận ra Vàng (hoặc cổ phiếu, cơ hội kinh doanh,…) tại thời điểm đáy và có chu kỳ đi lên thì đó không phải cơ hội của anh do chưa đủ nhận thức, kiến thức. Nếu đã không phải cơ hội của mình thì tại sao phải tiếc?
- Nếu biết vàng tăng mà không hành động (mua lớn) thì anh không có đủ niềm tin. Nếu không đủ niềm tin để chuyển hoá thành hành động thì anh cũng không xứng đáng với lợi nhuận lớn mà nó đem lại. Như vậy cũng không nên tiếc.
Theo tôi, khi một thứ không phải của mình bằng 1 trong 2, hoặc cả 2, lý do trên thì không nên tiếc. Nó chả khác gì việc xem chung kết hoa hậu xong bảo “Biết thế tôi lấy em này làm vợ từ trước”
Thay vào đó phải tìm hiểu tại sao mình không biết, tại sao mình không đủ niềm tin để hành động, từ đó mới thay đổi trong những cơ hội trong tương lai.
Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều có sai lầm, đều từng vài lần nuối tiếc trong đời. Nhưng sự khác biệt nằm cách chúng ta đi tìm hiểu gốc rễ vấn đề và trở nên thông tuệ hơn để hạn chế những lần “biết thế” về sau.