2 bài học của tôi

Đợt này tôi ít viết bài.

Khá bận chuyện công ty tổng kết 6 tháng đầu năm và một số định hướng mới – mà có dịp chắc chắn tôi sẽ viết lại để 10-20 năm nữa nhìn lại xem quyết định ngày ấy có đúng không.

Tôi có vào một số lệnh, lãi nhè nhẹ QNS, HPG, SHB,…do vị thế không tốt nên không tham mà gồng lãi được. Tại sao vị thế là không tốt? Bởi những bài học sau mà tôi đã rút ra được sau quãng thời gian vừa rồi

1, Rút hoàn toàn khỏi thị trường

Như các bạn theo dõi blog này đều biết tôi chuyển tài sản qua vàng hồi T11/22 ở giá $16xx (vàng nhẫn khi đó quanh 50-51), một phần gửi tiết kiệm, khi đó lãi suất 11-12% và là không tưởng ở thời điểm này khi NHNN liên tục hạ lãi suất (cũng là điều tôi không ngờ đến), phần khác tôi sửa nhà.

Về cơ bản định hướng lớn trong năm không sai, vàng vẫn tăng giá, có khi lên 56-57tr (giá bán) khi thế giới lên gần $2100. Vấn đề là tôi rút hết vốn khỏi chứng khoán, chỉ theo dõi và nhận định thị trường chứ không thật sự vào lệnh.

Vấn đề là tôi rút hết vốn khỏi chứng khoán

Rút hết khỏi chứng khoán đúng là làm tôi nhẹ đầu và dành thời gian làm các việc khác nhau, nhưng nó có những điểm rất xấu mà tôi phải sửa:

  • Mất cảm giác vào lệnh và tương tác với thị trường: Cảm giác khi vẫn còn tiền trong TK và sẵn sàng vào lệnh bất cứ lúc nào là cần thiết để giữ trạng thái “in-the-game”. Có thể tỷ trọng không cao nhưng phải có.
  • Mất cơ hội và các vị thế tốt nếu thị trường tăng điểm: Đây đúng là trường hợp tôi gặp phải. Tiền không có sẵn cho đến khi một số khoản NH đáo hạn hoặc phải chuyển đổi từ tài sản khác. Quá trình này mất thời gian và khi mua cổ phiếu đã trôi mất các điểm vào lệnh tốt.

2, Bám chấp vào suy nghĩ chủ quan của mình

Biết nhiều cũng tốt, nhưng chỉ biết thôi mà không linh hoạt thay đổi theo thực tế thì cái “biết” đó trở thành cố chấp và mong cầu viển vông.

Khi lên kịch bản thị trường, tôi đã cố hạn chế suy nghĩ 1 chiều và “đoán” TT sẽ lên hay xuống bởi trong ngắn hạn, điều nay là bất khả thi vì phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của Nhà Cái.

Vấn đề là tôi chưa đủ khả năng để hoàn toàn không thiên vị giữa các kịch bản. Tư duy vẫn bị bám chấp theo 1 KB mình cho rằng khả năng cao sẽ xảy ra – đây là điều tôi nhận thức được là nguy hiểm nhưng chưa tránh được.

Suy nghĩ sâu xa hơn, bản chất của việc thiên vị kịch bản để chứng minh cái “Tôi” của mình – để cố gắng nói với thế giới rằng tôi có thể đoán được, tôi có khả năng.

Bản chất của việc thiên vị kịch bản để chứng minh cái “Tôi” của mình

Việc bám chấp vào 1 kịch bản mình tin sẽ xảy ra đẩy cảm giác đến 2 thái cực: Vui khi TT chạy theo ý mình (thấy chưa, nói rồi mà,…) hoặc từ chối chấp nhận sự thật, thiếu linh hoạt trong action theo tình hình mới nếu TT chạy ngược lại.

Hai hệ quả này rất có hại vì đều dẫn đến sự mất cân bằng trong cảm xúc, tư duy và dẫn đến các Action không phù hợp – kể cả việc ngồi yên không vào lệnh khi TT tăng cũng là không đúng chứ không phải cứ lỗ mới là sai.

3, Sửa mình

Tôi vui vì tôi phạm lỗi. Có thể không tốt trong ngắn hạn nhưng nhìn vào đó để cải thiện và tốt lên trong dài hạn mới là điều quan trọng.

  • Với cái sai đầu tiên về ở lại thị trường: Tôi đã để một phần tỷ trọng tài sản quay lại chứng khoán, không cực đoan như ngày trước nữa. Trong tương lai, chừng nào hành trình tài chính chưa kết thúc, tôi sẽ luôn có phần tài sản ở tài khoản chứng khoán.
  • Thoát khỏi bám chấp – hạ cái Tôi: Món này thì thật sự khó và thời điểm này tôi không cho rằng mình hoàn toàn gạt được thiên kiến khỏi đầu. Nhưng tôi đã làm 2 việc để sửa mình:
    • Tách riêng quá trình phân tích và theo dõi TT: Các chart dùng để phân tích sẽ khác Chart theo dõi trong quá trình giá chạy. Điều này để tránh tâm trí luôn có 1 cái mốc so sánh với điều đã phân tích, tạo ra mong cầu ảo để khi không như mong muốn thì thất vọng. Ví dụ phân tích chỉ số sẽ kháng cự ở 1055, thay vì nghĩ “đến đó phải giảm” thì chỉ đơn giản là theo dõi diễn biến tại khu vực đó mà không áp đặt ý kiến chủ quan của mình vào đó.
    • Liên tục đối chiếu và ra đưa phương án theo kịch bản: Vì việc đoán đúng hay sai là vô nghĩa nếu không hành động. Nên thay vì dành thời gian tìm kiếm thông tin phù hợp với suy nghĩ chủ quan của mình, tôi dành thời gian tập trung vào hành động: Nếu lên thì A, Nếu xuống thì B, đi ngang thì C. Điều này giúp tôi bớt bị động trước các tình huống trên thị trường.

Cuối cùng thì đây là một hành trình thấu hiểu bản thân và tốt lên từng ngày, lãi hay lỗ là hệ quả cuả việc mỗi chúng ta đang tốt lên đến mức nào.

Tầm ở đâu, tiền ở đó. Vì vậy rất cần tự nhìn vào lỗi sai để sửa mình, nâng tầm rồi các thứ khác sẽ tự khắc tới.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *