Nếu chúng ta không biết gì, bỏ 1 tỷ vào chứng khoán từ tháng 7/2020 (sau “đáy covid” tháng 4/2020), chọn doanh nghiệp tốt như HPG, SSI hay đơn giản mua cổ phiếu quỹ theo VN30; sau đó đi làm việc khác và đến Tháng 8 – tháng 12/2021 rút tiền nghỉ chơi. Kết quả tiền của bạn dễ dàng tăng thành 1.7-2 tỷ (lãi 70-100%) sau 15-17 tháng.
Ngược lại nếu thời điểm Tháng 5/2022 này, bạn bỏ 1 tỷ vào và 15-17 tháng sau quay lại thì chắc bạn còn cái nịt.
Cùng 1 số tiền, cùng nỗ lực tối thiểu (bỏ tiền vào xoá app), cùng thời gian, tại sao kết quả lại ở 2 thái cực như vậy? Lý do một bên có xu hướng ủng hộ, một bên không. Trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu xu hướng là gì và tại sao phải đầu tư theo xu hướng.
Nội dung chính
Xu hướng là gì?
Về cơ bản, thị trường (gồm cả VNINDEX và các loại cổ phiếu, coin, vàng,…) đều có 3 trạng thái: Xuống, Đi ngang và Lên. Trong phạm vi chứng khoán cơ sở Việt Nam hiện tại chỉ có đánh lên nên dưới đây tôi chỉ nói về chiều lên (tương lai có thể sẽ khác).
Trước khi xuống tiền, chúng ta phải xác định rất rõ xu hướng của thị trường và xu hướng của cổ phiếu định đầu tư. Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng cực kỳ quan trọng bởi nếu xu hướng đang đi xuống (như hiện nay T5/2022) mà lao đầu vào thì xác suất chết mất xác cực cao.
Xu hướng là hiện thân của đám đông và cá mập. Vài (chục) tỷ với một cá nhân đơn lẻ có thể to, nhưng với cả thị trường thì thật không thấm vào đâu. Giờ cầm 10 tỷ đi mua cổ phiếu nhưng đám đông 1 vạn người, mỗi người 100tr (tổng 1000 tỷ) đang lăm le chầu chực bán thoát hàng thì liệu bạn có chống được không? Đấy là không kể cá mập với tiền nhiều, chuyên gia giỏi, suốt ngày ăn với phân tích cũng rình bạn ngược dòng xu hướng để thoát hàng.
Hiểu đơn giản: Xu hướng là dòng nước lũ, bạn dù bơi giỏi đến mấy cũng phải bơi xuôi dòng. Bơi giỏi như cá hồi, ngược dòng để đẻ xong cũng lăn ra mà chết. Tốt nhất chúng ta đừng nên như cá hồi!
Biết tầm quan trọng của xu hướng, chúng ta cần xác định chiều của xu hướng.
Cách xác định xu hướng
Có 2 cách cơ bản xác định chiều của của xu hướng:
Cách 1: So sánh các đỉnh đáy
- Xu hướng tăng khi đáy sau cao hơn đáy trước, đồng thời đỉnh sau cao hơn đỉnh trước.
- Ngược lại với xu hướng giảm (đáy thấp hơn đáy, đỉnh thấp hơn đỉnh) hoặc đi ngang
Cách 2: Theo nhịp giao cắt MACD (tôi hay dùng cách này)
- Một nhịp MACD cắt lên báo hiệu xu hướng lên, càng vượt qua mốc 0 xu hướng càng mạnh và rõ nét
- Ngược lại, một nhịp MACD cắt xuống báo hiệu xu hướng xuống, dưới 0 là càng oẳng mạnh
Lưu ý: Do MACD là lagging indicator (chỉ báo chậm) nên khi báo cắt xuống mới nhận định mất xu hướng thì đã muộn, đặc biệt trong trường hợp giá giảm mạnh đột ngột, chỉ báo chưa kịp chạy theo. Đến lúc cắt xuống thì giá đã mất 15-20% rồi.
Tạm thời đến đây chúng ta đã giảm thiểu được bước đầu tiên – và có thể quan trọng nhất – trong việc xác định xu hướng.
Ở thời điểm hiện tại, sẽ có nhiều câu chưa trả lời được như: Nếu xu hướng không rõ ràng (MACD cắt lên xuống) thì thế nào? Nếu chất Ngày xu hướng lên mà chart Tuần xu hướng xuống thì theo cái gì? Làm thế nào để đoán đảo chiều xu hướng khi MACD chưa giao cắt? v.v. Các câu này sẽ được giải đáp dần trong các bài tiếp theo.
Ảnh đại diện: Pink Salmon Black and White, creditor Eiko Jones. Nguồn: https://www.eikojones.com/underwater-salmon-photographs/